Hệ thống xếp hạng tự động của Google được thiết kế để cung cấp những thông tin hữu ích và đáng tin cậy, chủ yếu được tạo ra để mang lại lợi ích cho mọi người, chứ không phải để có được thứ hạng cao trong công cụ tìm kiếm, trong các kết quả hàng đầu trên Tìm kiếm. Trang này được thiết kế để giúp nhà sáng tạo đánh giá xem họ có đang tạo ra nội dung như vậy hay không.
Tự đánh giá nội dung
Việc tự đánh giá nội dung dựa trên những câu hỏi này có thể giúp bạn xác định liệu nội dung mình đang tạo ra có hữu ích và đáng tin cậy hay không. Ngoài việc tự hỏi mình những câu hỏi này, hãy cân nhắc việc nhờ những người mà bạn tin tưởng nhưng không liên quan đến trang web để họ đưa ra ý kiến đánh giá trung thực.
Bên cạnh đó, hãy cân nhắc việc thống kê mức giảm hiệu suất mà có thể bạn đã gặp phải. Những trang nào bị ảnh hưởng nhiều nhất và bị ảnh hưởng ở loại hình tìm kiếm nào? Hãy xem xét kỹ những trang đó để đánh giá chất lượng trang theo danh sách câu hỏi nêu tại đây.
Câu hỏi về nội dung và chất lượng
- Nội dung này có cung cấp thông tin, báo cáo, nghiên cứu hoặc bài phân tích do bạn tự thực hiện hay không?
- Nội dung này có cung cấp thông tin giá trị, đầy đủ hoặc toàn diện về chủ đề đang nói đến hay không?
- Nội dung này có cung cấp thông tin phân tích chuyên sâu hoặc thông tin thú vị hơn mức bình thường hay không?
- Nếu tham khảo các nguồn khác, thì nội dung này có tránh được việc chỉ sao chép hoặc viết lại theo các nguồn đó hay không, ngoài ra có gia tăng thêm đáng kể giá trị và tính độc đáo hay không?
- Tiêu đề chính hoặc tiêu đề trang có đưa ra mô tả ngắn gọn và hữu ích về nội dung hay không?
- Tiêu đề chính hoặc tiêu đề trang có tránh được cách viết phóng đại hay gây sốc không?
- Đây có phải là loại trang mà bạn muốn đánh dấu, chia sẻ với bạn bè hay gợi ý cho người khác không?
- Bạn có nghĩ rằng có khả năng một ấn phẩm tạp chí, sách hoặc bách khoa toàn thư sẽ trích dẫn hoặc tham khảo nội dung này không?
- Nội dung này có giá trị đáng kể so với các trang khác trong kết quả tìm kiếm không?
- Nội dung này có vấn đề nào về chính tả hoặc văn phong không?
- Nội dung này được trình bày bài bản hay trông cẩu thả hoặc được xuất bản quá gấp rút?
- Nội dung này có phải do một số lượng lớn người viết sản xuất hàng loạt hay được giao cho nhiều người viết bên ngoài hay không? Hay có dàn trải trên một mạng lưới lớn gồm nhiều trang web, dẫn đến việc từng trang hay trang web không được chú ý hay chăm chút cẩn thận không?
Câu hỏi về chuyên môn
- Cách trình bày thông tin trong nội dung này có tạo cảm giác đáng tin cậy không? Chẳng hạn: nội dung có dẫn chiếu nguồn rõ ràng, bằng chứng cho thấy có chuyên gia tham gia, thông tin giới thiệu về tác giả hoặc trang web xuất bản nội dung này (ví dụ: thông qua đường liên kết đến trang tác giả hoặc trang Giới thiệu của trang web).
- Nếu có người tìm hiểu về trang web cung cấp nội dung này, liệu họ có ấn tượng rằng đây là trang web đáng tin cậy hay được công nhận rộng rãi là nguồn thông tin có căn cứ hay không?
- Có phải nội dung này được viết hoặc đánh giá bởi một chuyên gia hoặc người đam mê, và người này hiểu rõ về chủ đề này không?
- Nội dung này có lỗi sai sự thật nào dễ dàng kiểm chứng không?
Cung cấp trải nghiệm chất lượng cao trên trang
Hệ thống xếp hạng chính yếu của Google cố gắng ưu tiên nội dung cung cấp trải nghiệm chất lượng cao trên trang. Nếu muốn thành công trên các hệ thống của chúng tôi, thì chủ sở hữu trang web đừng chỉ tập trung vào một vài khía cạnh về trải nghiệm trên trang. Thay vào đó, hãy kiểm tra xem bạn có cung cấp trải nghiệm chất lượng cao về tổng thể theo nhiều khía cạnh hay không. Để được tư vấn thêm, hãy xem trang của chúng tôi về Tìm hiểu trải nghiệm trên trang trong kết quả trên Google Tìm kiếm.
Tập trung vào nội dung ưu tiên con người
Nội dung ưu tiên con người là nội dung được tạo chủ yếu cho người dùng và không nhằm mục đích thao túng thứ hạng trong công cụ tìm kiếm. Làm cách nào để đánh giá xem bạn có đang tạo nội dung ưu tiên con người hay không? Nếu đáp án của bạn là có cho những câu hỏi dưới đây, thì tức là có thể bạn đang theo đúng phương pháp ưu tiên con người:
- Có đối tượng mục tiêu hoặc đối tượng hiện hữu nào cho doanh nghiệp hoặc trang web của bạn sẽ nhận thấy nội dung của bạn hữu ích khi họ trực tiếp truy cập vào hay không?
- Nội dung của bạn có trình bày rõ ràng thông tin chuyên môn thực tiễn và kiến thức chuyên sâu (ví dụ: kiến thức chuyên môn xuất phát từ việc thực sự sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ hay ghé thăm một địa điểm) hay không?
- Trang web của bạn có mục đích chính hoặc trọng tâm không?
- Sau khi đọc nội dung, có ai đó cảm thấy họ đã nắm được đủ thông tin về một chủ đề để giúp họ đạt được mục tiêu không?
- Liệu người đọc nội dung của bạn có cảm thấy hài lòng không?
Tránh tạo nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm
Bạn nên tập trung vào việc tạo nội dung ưu tiên con người để đạt được thành công trên Google Tìm kiếm, thay vì nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm chủ yếu nhằm đạt được thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm. Việc trả lời có cho một hoặc tất cả câu hỏi dưới đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn nên đánh giá lại cách thức mình tạo ra nội dung:
- Có phải nội dung này chủ yếu được dùng để thu hút lượt truy cập qua các công cụ tìm kiếm không?
- Có phải bạn đang tạo nhiều nội dung về nhiều chủ đề với hy vọng một số nội dung có thể đạt hiệu suất tốt trong kết quả tìm kiếm không?
- Có phải bạn đang sử dụng tính năng tự động hoá trên phạm vi rộng để tạo nội dung về nhiều chủ đề không?
- Có phải bạn đang chủ yếu tóm tắt nội dung của người khác mà không thêm nhiều giá trị không?
- Có phải bạn đang viết về những chủ đề đơn giản vì chúng có vẻ thịnh hành chứ không phải để dành cho người xem hiện hữu của mình không?
- Nội dung của bạn có khiến người đọc cảm thấy họ cần phải tìm kiếm thêm để xem thông tin của các nguồn khác nữa không?
- Có phải bạn đang lặp lại một từ theo một số lần cụ thể do bạn đọc hoặc nghe ai đó nói rằng Google ưa thích số lần lặp lại như vậy? (Không có chuyện đó đâu).
- Có phải bạn quyết định chọn một số chủ đề ngách nào đó khi chưa có kinh nghiệm thực tế, chủ yếu vì bạn cho rằng bạn sẽ nhận được lưu lượng truy cập qua công cụ tìm kiếm không?
- Có phải nội dung của bạn hứa hẹn câu trả lời cho một câu hỏi thực ra không có đáp án không, chẳng hạn như gợi ý ngày phát hành cho một sản phẩm, bộ phim hoặc chương trình truyền hình khi thông tin đó chưa được xác nhận?
- Trong trường hợp nội dung không thay đổi đáng kể, bạn có thay đổi ngày tháng của trang để cho trang đó trông có vẻ mới mẻ không?
- Có phải bạn thêm nhiều nội dung mới hoặc xoá nhiều nội dung cũ chủ yếu là vì cho rằng điều này sẽ làm cho trang web của bạn có vẻ “mới mẻ”, và nhờ đó sẽ cải thiện thứ hạng tổng thể của trang web trong kết quả tìm kiếm? (Không)
Còn SEO thì sao? Đó có phải là việc ưu tiên công cụ tìm kiếm không?
Bạn có thể làm một số việc để giúp các công cụ tìm kiếm khám phá ra và hiểu rõ hơn về nội dung của bạn. Đây được gọi chung là “tối ưu hoá cho công cụ tìm kiếm” hay viết tắt là SEO. Cẩm nang SEO của Google đề cập đến các phương pháp hay nhất mà bạn nên cân nhắc. SEO có thể là một hoạt động hữu ích khi được áp dụng cho nội dung ưu tiên con người, thay vì nội dung ưu tiên công cụ tìm kiếm.
Làm quen với E-E-A-T và nguyên tắc cho người đánh giá chất lượng
Các hệ thống tự động của Google được thiết kế để sử dụng nhiều yếu tố nhằm xếp hạng nội dung hay. Sau khi xác định được nội dung liên quan, hệ thống của chúng tôi đặt mục tiêu là ưu tiên những nội dung có vẻ hữu ích nhất. Để làm việc này, hệ thống sẽ tìm ra nhiều yếu tố có thể giúp xác định nội dung nào thể hiện các khía cạnh trải nghiệm, chuyên môn, tính xác đáng và độ tin cậy (hay E-E-A-T, viết tắt của các từ tiếng Anh “experience”, “expertise”, “authoritativeness” và “trustworthiness”).
Trong những khía cạnh này, độ tin cậy là yếu tố quan trọng nhất. Các yếu tố khác đóng góp vào sự tin cậy, nhưng nội dung không nhất thiết phải thể hiện hết mọi yếu tố. Ví dụ: một số nội dung có thể vẫn hữu ích dựa trên trải nghiệm được thể hiện trong nội dung đó, trong khi những nội dung khác có thể lại hữu ích dựa trên kiến thức chuyên môn mà nội dung đó chia sẻ.
Tuy E-E-A-T không phải là một yếu tố xếp hạng cụ thể, nhưng bạn nên kết hợp các yếu tố có thể tạo ra nội dung có tính chất E-E-A-T. Ví dụ: các hệ thống của chúng tôi thậm chí còn đánh giá cao hơn đối với nội dung có tính chất E-E-A-T ở những chủ đề có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ, sự ổn định về tài chính hoặc sự an toàn của con người hay phúc lợi hoặc sự thịnh vượng của xã hội. Chúng tôi gọi đây là các chủ đề “Tiền bạc hoặc cuộc sống”, gọi tắt là YMYL.
Người đánh giá là những người cung cấp cho chúng tôi thông tin chi tiết về việc thuật toán của chúng tôi dường như có đưa ra kết quả phù hợp hay không. Đây là một cách để giúp chúng tôi xác nhận mức độ hiệu quả của các thay đổi. Cụ thể, người đánh giá được đào tạo để nắm được liệu nội dung có đáp ứng tiêu chí E-E-A-T hay không. Tiêu chí mà họ dùng đến để thực hiện việc này được nêu trong nguyên tắc cho người đánh giá chất lượng kết quả tìm kiếm của chúng tôi.
Khi đọc các nguyên tắc này, bạn có thể tự đánh giá hiệu suất của nội dung theo góc độ E-E-A-T, nắm được những cải thiện cần xem xét và giúp điều chỉnh nội dung đó cho phù hợp với các tín hiệu mà hệ thống tự động của chúng tôi sử dụng để xếp hạng nội dung.
Hỏi “Ai, Cách thức và Lý do” về nội dung của bạn
Hãy cân nhắc việc đánh giá nội dung của bạn dựa trên những câu hỏi “Ai, Cách thức và Lý do” để nắm được những nội dung mà hệ thống của chúng tôi mong muốn nhận được.
Ai (tạo ra nội dung)
Mọi người sẽ dễ dàng nắm được E-E-A-T của nội dung nếu biết rõ ai là người tạo ra nội dung đó. Đó là “Ai” mà bạn cần xem xét. Sau đây là một số câu hỏi liên quan đến việc tạo nội dung mà bạn nên tự hỏi:
- Khách truy cập có biết rõ ai là tác giả của nội dung không?
- Các trang có dòng tên tác giả không và nên đặt ở đâu?
- Dòng tên tác giả có cung cấp thêm thông tin về tác giả hoặc các tác giả có liên quan hay không, có cung cấp thông tin cơ bản về họ và các lĩnh vực của họ không?
Nếu đã thể hiện rõ ai là người tạo nội dung, có lẽ bạn đã theo đúng lộ trình về E-E-A-T để đạt được thành công. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích bạn thêm thông tin chính xác về quyền tác giả (chẳng hạn như dòng ghi tên tác giả) vào nội dung mà có thể độc giả cần biết.
Cách thức (tạo ra nội dung)
Việc biết được nội dung được tạo ra như thế nào sẽ giúp ích cho độc giả: đây là yếu tố “Cách thức” mà bạn nên xem xét đưa vào nội dung của mình.
Ví dụ: trong các bài đánh giá sản phẩm, điều này có thể tạo dựng lòng tin nơi độc giả khi họ nắm được số lượng sản phẩm được thử nghiệm, kết quả thử nghiệm, cách thức tiến hành thử nghiệm, tất cả đều có bằng chứng về công việc liên quan, chẳng hạn như ảnh chụp. Đó là lời khuyên chúng tôi chia sẻ thêm trên trang trợ giúp Viết bài đánh giá hữu ích cho sản phẩm.
Nhiều loại nội dung có thể có yếu tố “Cách thức”. Chẳng hạn như nội dung tự động, do AI (trí tuệ nhân tạo) tạo ra hay có sự hỗ trợ của AI. Việc chia sẻ thông tin chi tiết về các quy trình liên quan có thể giúp độc giả và khách truy cập hiểu rõ hơn về những vai trò hữu ích và độc đáo của các quy trình tự động.
Nếu về cơ bản, tính năng tự động hoá được dùng để tạo nội dung thì sau đây là một số câu hỏi bạn nên tự hỏi:
- Người truy cập có thấy rõ việc nội dung được tạo tự động (bao gồm cả nội dung do AI tạo ra) qua thông tin công bố hay cách nào khác không?
- Bạn có đang cung cấp thông tin cơ bản về cách sử dụng tính năng tự động hoá hoặc AI để tạo nội dung không?
- Bạn có giải thích tại sao công nghệ tự động hoá hoặc AI được cho là hữu ích trong việc sản xuất nội dung không?
Nhìn chung, thông tin công bố về công nghệ tự động hoá hoặc AI rất hữu ích đối với những nội dung mà có thể khiến ai đó hỏi rằng “Nội dung này được tạo ra như thế nào?”. Hãy cân nhắc việc thêm những yếu tố như vậy nếu phù hợp. Để biết thêm thông tin, hãy xem bài đăng trên blog và câu hỏi thường gặp về: Góc nhìn của Google Tìm kiếm đối với nội dung do AI tạo.
Lý do (tạo ra nội dung)
“Lý do” có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất cần được giải đáp về nội dung của bạn. Vì sao nội dung này được tạo ra?
“Lý do” nên là tạo nội dung chủ yếu để trợ giúp mọi người, nội dung hữu ích cho khách truy cập nếu họ trực tiếp truy cập trang web của bạn. Nếu làm được điều này thì tức là nhìn chung bạn đã áp dụng được E-E-A-T cũng như những gì mà các hệ thống xếp hạng cốt lõi của chúng tôi mong đợi.
Nếu “lý do” chủ yếu là tạo nội dung để thu hút lượt truy cập qua công cụ tìm kiếm thì tức là không đúng với những gì các hệ thống của chúng tôi mong đợi. Nếu bạn dùng tính năng tự động hoá (bao gồm cả việc tạo bằng AI) để tạo nội dung nhằm mục đích chính là thao túng thứ hạng trong kết quả tìm kiếm, thì đó là hành vi vi phạm chính sách của chúng tôi về nội dung rác.
Discussion about this post